Steve Jobs đã thuyết phục Tim Cook về làm việc trong lúc Apple đang gặp khó khăn như thế nào?

Trước khi gia nhập Apple, Tim Cook từng nắm giữ nhiều vị trí tại các tập đoàn công nghệ lớn. Ông làm việc 12 năm tại IBM, và từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc ở Intelligent Electronics và Compaq. Khi đang làm việc tại Compaq, khi ấy là hãng bán PC lớn nhất thế giới, Cook đã vài lần từ chối lời mời về làm việc của Apple. Nhưng rồi sự kiên trì của Apple đã khiến ông suy nghĩ lại.

Đang tải Tinhte_Apple1.jpg…

Trong một cuộc phỏng vấn với Charlie Rose năm 2014, Tim Cook nhớ lại, sau vài lần Apple mời không thành công, ông nghĩ rằng chí ít thì cũng nên gặp Steve Jobs một lần trò chuyện: “Steve đã tạo ra cả ngành công nghiệp mà tôi đang làm”, Cook chia sẻ, không quên nói thêm rằng khi ấy Jobs “đang làm những thứ hoàn toàn khác biệt”.

Cuối cùng, trong buổi gặp nhau đầu tiên giữa Jobs và Cook, nhà sáng lập Apple Computer năm 1976 giải thích chiến lược và tầm nhìn của Apple. Ông mô tả một sản phẩm có khả năng làm chao đảo thế giới máy tính, một thiết kế mà con người chưa từng nhìn thấy. Sản phẩm đó về sau chính là iMac G3 đầy màu sắc ra mắt năm 1998, thứ giúp đưa Jony Ive trở thành một trong những nhà thiết kế đại tài của thời điểm hiện tại.

Đang tải Tinhte_Apple2.jpg…

Cook ngay lập tức bị ý tưởng này hấp dẫn. Mặc dù vẫn đang có sự nghiệp tương đối ổn định và thoải mái ở Compaq, nhưng cuộc gặp với Jobs đã đem lại nhiều góc nhìn mới mẻ và cuốn hút cho Tim Cook. “Ông ấy chỉ nhá cho tôi rất ít chi tiết về thiết kế, vừa đủ khiến tôi tò mò”. Sau cuộc gặp đó, Cook thực sự tin rằng được làm việc chung với một huyền thoại ở Silicon Valley như Steve Jobs sẽ là “đặc quyền cả một đời”.

Dĩ nhiên một giám đốc cáo già như Cook vẫn có vài hồ nghi trong đầu khi nghĩ đến chuyện về Apple làm việc, nhưng chúng đều không quá lớn để che lấp quyết định của cá nhân. Nhắc lại câu chuyện này, Tim Cook phát biểu hồi năm 2010 ở đại học Auburn:

“Bất kỳ ý nghĩ tỉnh táo nào về lợi ích và lương lậu cũng đều nghiêng về phía Compaq, và những người biết rõ tôi đều khuyên tôi ở lại Compaq. Một CEO còn cục đến mức cho rằng tôi sẽ là một gã khờ nếu bỏ Compaq về Apple.” Cũng cần nhớ, thời điểm đó, Apple vừa trải qua những năm vô cùng khó khăn từ 1991 đến 1997. Chỉ đến khi Gil Amelio mua lại NeXT để đưa Steve Jobs trở lại công ty, mọi chuyện mới có chiều hướng sáng sủa hơn. Khi Steve Jobs trở lại Apple, chỉ cần một bước đi không đúng hướng, Apple sẽ có thể phá sản chỉ sau vài tuần lễ. Để dễ so sánh cho anh em hiểu, việc Tim Cook rời Compaq để về Apple năm 1998 nó cũng chẳng khác gì năm 2019, Tim Cook rời Apple để về làm việc cho bất kỳ tập đoàn nào khác.


Thế nhưng việc từ bỏ lời mời của chính Steve Jobs để đến Apple làm việc cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội đóng góp cho những thứ thực sự đặc biệt:

“Tôi luôn tin rằng, đuổi theo những người khác luôn là việc không tốt chút nào. Nhưng khi nhìn vào những vấn đề khi đó Apple gặp phải và, bạn biết đấy, tôi nghĩ mình có thể đóng góp sức mình. Và rồi đột nhiên tôi có ý nghĩ, tôi sẽ về Apple. Khi ấy nghĩ kiểu đó chẳng hợp lý chút nào cả. Nhưng trái tim tôi nói mình phải làm việc đó.”

Đang tải Tinhte_Apple3.jpg…

Tháng 03/1998, Jobs đưa Tim Cook, 37 tuổi, về làm việc ở vị trí phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu với mức lương 400.000 USD, cộng thêm nửa triệu Đô tiền thưởng sau khi ký hợp đồng. Dĩ nhiên khi ấy Apple hoàn toàn không phải nơi những cái đầu xuất sắc nhất Silicon Valley muốn đến. Cook cũng biết thừa rằng, ông đang bước vào một đống lộn xộn.

Đến khi làm việc, Tim Cook mới thực sự chứng tỏ rằng, ông là một trong số những nhân sự tốt nhất Jobs từng đưa về Apple, khi quản lý toàn bộ hệ thống sản xuất và phân phối sản phẩm của Apple. Lúc sinh thời, Steve Jobs từng chia sẻ với Walter Issacson, tác giả cuốn tự truyện “Steve Jobs”: “Ông ấy có chung tầm nhìn với tôi. Chúng tôi có thể trao đổi công việc và chiến lược, và cũng nhờ ông ấy mà tôi có thể quên đi rất nhiều thứ, trừ phi Cook đến và nhắc tôi.”

Mọi chuyện còn lại, giờ đã thành lịch sử.

Theo CNBC